Rất nhiều loại nước rửa tay khô sát khuẩn có chứa thành phần độc hại xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Tại Việt Nam, gần đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa tiến hành đình chỉ và thu hồi một loại nước rửa tay khô. Liệu dung dịch sát khuẩn tay bạn đang sử dụng có an toàn? Hãy cùng kiểm tra xem sản phẩm của bạn có chứa các thành phần có thể gây hại dưới đây không nhé.

Các thành phần nước rửa tay khô độc hại bạn nên tránh
Methanol
Metanol, còn được gọi là cồn metylic hay cồn gỗ, được sử dụng để làm nhiên liệu tên lửa và chất chống đông, rất độc hại.
Vào tháng 7 năm 2020, FDA đã ra thông báo cảnh báo người dân rằng “methanol không phải là thành phần được chấp nhận cho các sản phẩm nước rửa tay khô và không được sử dụng do tác dụng độc hại của nó.”
Theo một thống kê vào năm ngoái, có khoảng 800 người đã chết sau khi uống methanol, 60 người bị mù hoàn toàn và khoảng 5.900 người phải nhập viện, chủ yếu ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Ấn Độ, do nhiều người tin rằng uống cồn ở nồng độ cao có thể khử trùng cơ thể và tiêu diệt virus.
Vì methanol có thể gây độc khi hấp thụ qua da hoặc qua đường tiêu hóa, vì thế tốt nhất bạn tuyệt đối không tiếp xúc với các sản phẩm nước rửa tay khô sát khuẩn có chứa methanol trên da hoặc nuốt phải.
1-Propanol
Một loại cồn khác không được sử dụng trong nước rửa tay khô là 1-Propanol hay cồn 1-propyl. Nó thường được dùng làm dung môi công nghiệp (một loại chất tẩy rửa) và cũng có thể gây độc nếu nuốt phải.
Nuốt hoặc uống dung dịch chứa 1-propanol có thể làm giảm nhịp thở và nhịp tim, và có thể dẫn đến tử vong. Gel rửa tay khô sát khuẩn 1-propanol có thể gây kích ứng da của bạn hoặc ảnh hưởng đến mắt nếu bị dây vào. Một số trường hợp còn gặp phản ứng dị ứng trên da.
Benzene, acetaldehyde và acetal
Đầu tháng 10 vừa qua, FDA tiếp tục đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng khi phát hiện nước rửa tay khô của một số thương hiệu “có chứa thành phần benzene, acetaldehyde và acetal ở mức không cho phép”.
Benzen là chất không được phép sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng vì nó là chất gây ung thư. Độc tính của benzen đã được biết đến hơn 120 năm. Nó có liên quan trực tiếp đến việc gây ra bệnh ung thư bạch cầu ở người. Nó là chất gây ung thư nhóm một, đứng đầu danh sách hóa chất không được sử dụng trong sản xuất của FDA. Nói cách khác, nếu bạn liên tục hít, nuốt hoặc chạm vào benzen trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn đến một số loại ung thư.

Một số chất khác cần lưu ý
Một số nước rửa tay khô có chứa Paraben vốn là thành phần được sử dụng để bảo quản sản phẩm. Việc kéo dài thời hạn sử dụng của một mặt hàng là một điều tốt, nhưng nếu sử dụng paraben để ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật cũng mang một số lo ngại về độc tính.
Cụ thể, paraben là hóa chất gây rối loạn nội tiết và có liên quan đến ung thư vú và tác hại đến sinh sản. Nếu bạn phát hiện thành phần trên bao bì có paraben như ethylparaben, isopropylparaben, v.v. thì tốt hơn hết bạn không nên sử dụng.
Nên làm gì nếu nước rửa tay khô của bạn có chứa thành phần độc hại?
Nếu bạn có sản phẩm nước rửa tay khô sát khuẩn nào chứa một trong các thành phần trên, hãy ngừng sử dụng nó ngay lập tức.
Hãy vứt nó vào thùng rác chứa chất thải độc hại (nếu có). Tuyệt đối không xả hoặc đổ sản phẩm xuống cống hoặc trộn với các chất lỏng khác.
Cuối cùng là tìm hiểu và lựa chọn ngay một sản phẩm dung dịch rửa tay khô sát khuẩn mới có chứa thành phần an toàn và hiệu quả, đã được kiểm nghiệm y tế đầy đủ, rõ ràng.
Hy vọng những thông tin bổ ích trên đây có thể giúp bạn có thêm kiến thức để dễ dàng lựa chọn được sản phẩm sát khuẩn tay an toàn cho bản thân.